Bố Thí Đúng Cách Để Đạt Phước Báu Và Hạnh Bố Thí Ba La Mật

Đa số chúng ta ngày nay hầu như không còn biết bố thí, cúng dường một cách trong sạch và lợi ích nữa! Bố thí là bố thí chứ có gì mà trong sạch với không trong sạch? Nói như vậy không phải là Phật tử! Nếu không phải Phật tử thì muốn nói sao cũng được, nhưng nếu là con Phật thì cần phải học đạo, hiểu đến nơi đến chốn. Có nhiều người trong chúng ta thường hãnh diện nói rằng: ‘Tôi tu lâu, ăn chay trường, tụng kinh mấy chục năm rồi, biết Hòa Thượng này Hòa Thượng nọ từ lúc các vị ấy mới tu, chùa này là do tôi giúp từ lúc mới lập,…, và đa số đều là Bồ Tát tại gia (tức là thọ Bồ Tát giới). Thọ Bồ Tát giới tức là muốn bước trên Bồ Tát đạo; và Bồ Tát đạo thì gồm có Lục độ (Ba La Mật). Trong đó thì Bố thí đứng đầu. Bồ Tát mà không biết bố thí thì đó không phải là Bồ Tát. Vậy Bố thí là gì? Có mấy loại Bố thí? Phải Bố thí những gì: Bố thí làm sao, khi nào,…?

 

I, Nghĩa Của Bố Thí?

1, Bố Thí Là Gì? Ý Nghĩa Của Từ Bố Thí

 


 

Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ Tát. Nguyên âm chữ Phạn là Dàna có nghĩa là sự “cho”, dịch sang tiếng Hán Việt là Bố thí. Bố là khắp, thí là cho. Bố thí là cho khắp tất cả. Nếu nói như vậy thì hơi đơn giản và mơ hồ. Vì cho khắp tất cả có nghĩa là cho khắp tất cả những gì mình có, hay cho khắp tất cả chúng sinh?

Khi ta đi đường gặp một kẻ nghèo khó đứng xin ăn, ta lấy năm đồng hay một cắc ra cho họ, thì ta gọi đó là bố thí cho kẻ nghèo. Trong gia đình khi ta cho con cái vật gì thì ta chỉ gọi đó là cho. Đối với những người có địa vị xã hội cao hơn ta, hay đối với hàng ông bà chú bác thì ta không gọi là cho mà gọi là Tặng hay Biếu. Rồi khi vào chùa đối với Tam Bảo ta lại có tiếng gọi khác là cúng dường. Cũng là một hành động cho mà lại có nhiều tên gọi khác nhau vì đó là tùy ở nơi đối tượng của sự cho, tức là người nhận. Mùa Xuân Tết đến, ta không thể đem một món quà đến gặp ông chủ của mình mà nói rằng: ‘Tôi xin bố thí cho ông chủ món quà’, hoặc gặp một vị Thầy ta nói: ‘Con xin bố thí cho Thầy’, hoặc ta cũng không thể nói: ‘Ba cúng dường cho con một hộp bánh’, v…v… Tiếng Việt của ta rắc rối lắm, không phải dễ dàng đâu! Nếu không chú ý cẩn thận một chút là ta có thể gây phiền phức cho chính mình và cả người khác nữa.

Như ta đã thấy “Bố thí” gồm có nhiều nghĩa: cho, tặng, biếu, cúng dường, bố thí. Nhưng để thuận tiện cho việc ghi chép, Điêu Khắc Trần Gia xin tạm gọi tất cả những cái đó là “Bố thí”.

2, Vì Sao Phải Bố Thí? Lợi Ích Của Bố Thí

 

Bố thí đem lại nhiều lợi ích sau đây :

  • Bố thí là một kho tàng phước đức luôn luôn đi theo người chủ (tức người cho) đời này sang đời khác;
  • Bố thí xây dựng hạnh phúc và tiêu trừ đau khổ; người biết bố thí thì ai cũng thương mến;
  • Bố thí làm cho tâm (người cho) được an vui, khi gần chết tâm không sợ hãi; bố thí tiêu trừ lòng tham lam bỏn xẻn;
  • Người biết bố thí thì chư Thiên ủng hộ;
  • Bố thí là con đường trong sạch mà tất cả Thánh nhân đều đã đi qua;
  • Bố thí là một thiện nghiệp sẽ cho ra quả báo tốt;
  • Bố thí là hành động của những người hùng;
  • Bố thí sẽ tiêu trừ sự nghèo và đóng cửa dẫn đến ba đường ác (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh); bố thí giữ gìn công đức;
  • Bố thí là điều kiện đầu tiên của con đường dẫn đến Niết Bàn;
  • Bố thí là gốc rễ của tất cả thiện pháp;
  • Bố thí là nhà ở của những người cao quý, là thú vui của những bậc Thánh và Vĩ nhân; bố thí là một cái gương sáng đáng để cho những người thiếu phước đức và trí huệ noi theo.

 

II, Các Loại Bố Thí

Khi nói đến sự bố thí, thì ta nhận ra có ba yếu tố tạo ra nó, đó là: người cho (năng thí), món đồ (vật thí), và người nhận (sở thí).

Có người cầm trong tay một món đồ muốn cho mà không có ai nhận thì không có sự bố thí. Có món đồ mà không có người cho và người nhận thì cũng không có sự bố thí. Có người sẵn sàng nhận đồ mà không có ai cho thì cũng không có sự bố thí.

Nếu muốn phân loại thì ta phải căn cứ trên ba yếu tố của sự Bố thí mà phân loại:

Trên phương diện người cho thì có hai loại: Bố thí trong sạch và không trong sạch

Trên phương diện vật thí thì có ba loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí

Trên phương diện người nhận (tức đối tượng của sự bố thí), còn được gọi là ruộng phước (phước điền) thì có hai loại: ruộng phước nhỏ và ruộng phước lớn .

Có thể hiểu đơn giản về các loại bố thí như sau:

1, Trên Phương Diện Người Thí (Người Cho):


Có hai loại bố thí: Trong sạch và không trong sạch.

a, Thế nào là bố thí không trong sạch?

Đó là bố thí vì: tư lợi, bất kính, chán ghét, yếu hèn, muốn dụ dỗ, sợ chết, muốn chọc tức, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người,… Tóm lại bố thí vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay lợi ích cho người nhận.

b, Thế nào là bố thí trong sạch?

Nói một cách giản dị, đó là sự bố thí có tánh cách ngược lại những gì đã tả ở phần trên. Còn có nghĩa là Bố thí mà muốn đem lại lợi ích cho người nhận.

Vừa kể trên là sự bố thí trong sạch cho tất cả mọi người. Riêng cho Phật tử thì Bố thí trong sạch còn có nghĩa là bồi đắp công đức cho sự giải thoát, tức Niết Bàn .

2, Trên Phương Diện Vật Thí

Có 3 cách bố thí: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.

Trong mỗi loại trên lại chia ra: chân chính và không chân chính.

a, Tài thí:

Vậy tài thí hay bố thí tài là gì?

Tài thí nghĩa là cho đi những vật chất, tài sản hiện hữu

Tài thí lại chia ra hai loại: Ngoại thí và Nội thí.

Ngoại thí: Ngoại thí là bố thí những đồ vật bên ngoài như: bố thí cơm, bố thí tiền bạc, bố thí thức ăn, bố thí gạo, bố thí tài sản bố thí nước uống.

Nội thí: Nội thí là bố thí những gì trong thân thể con người chúng ta; như xưa kia đức Phật còn làm Bồ Tát đã bố thí đầu, mắt, chân, tay… Ngày nay ta không làm nổi như vậy thì ta có thể ra công giúp sức như làm công quả cho chùa, kéo xe cho người già, v…v… Hoặc tiếp máu cho bệnh nhân ở nhà thương, hoặc bố thí thân mạng, bố thí thân xác như ký giấy cho những bộ phận trong thân thể mình nếu bị chết bất đắc kỳ tử.

*Tài thí chân chính: là những đồ vật được bố thí không phải do từ trộm cắp hay cướp giật. Nếu ngược lại là tài thí không chân chính.

b, Pháp thí

Thế nào là pháp thí? Hay Bố thí Pháp là gì?

Hay còn gọi là bố thí bằng lời nói (Pháp).

Hành động được xem là pháp thí gồm có:

Tất cả những lời nói chân thật, hữu ích có thể đem lại an lạc cho người nghe.

Giảng dạy chánh pháp của đức Phật

Giảng dạy ba Tạng pháp: Kinh, Luật và Luận

Giảng dạy cho người biết hai pháp: Thanh văn và Bồ Tát

Pháp thí không chân chính là giảng dạy những giáo pháp của ngoại đạo, không đưa con người đến sự giải thoát sinh tử luân hồi (như dạy xuất hồn, dạy làm bùa phép, v…v…)

*Pháp thí chân chính là giảng dạy những giáo pháp đưa con người đến giải thoát rốt ráo của Niết Bàn

c, Vô úy thí

Theo nguồn gốc Kinh tạng nguyên thủy thì chỉ có hai loại Bố thí, đó là Tài thí và Pháp thí. Nhưng theo giáo lý Đại thừa có thêm vào một loại bố thí thứ ba là Vô úy thí

Vô úy thí có nghĩa là bố thí sự không sợ hãi, tức là làm cho người khác được an tâm yên chí, không sợ gì cả.

Vô úy thí cũng có thể xem là nằm trong Tài thí hoặc Pháp thí. Vì sao? Vì khi bố thí, tức là cho, thì có hai cách: một là cho bằng hành động, hai là cho bằng lời nói. Nếu bằng hành động thì đó thuộc Tài thí, còn nếu bằng lời nói thì đó thuộc Pháp thí.

Ta không thể nào tự nhiên làm cho người khác hết sợ hãi được. Ta phải làm một cái gì đó (một lời nói, một sự hiện diện, một sự an ủi, một sự giúp sức,…) cho người ấy thì người ấy mới hết sợ (vô úy) được. Sự hết sợ chính là kết quả của Tài thí hoặc Pháp thí. Vì vậy Vô úy thí không thể được xem là một loại bố thí riêng biệt không tùy thuộc gì nơi hai sự bố thí kia cả (Tài và Pháp thí).

*Thế nào là vô úy thí chân chính?

*Vô úy thí chân chính hay không chân chính đó là tùy thuộc ở Tài thí và Pháp thí có chân chính hay không?

Thí dụ:

Có một người sợ chết. Ta bảo họ đừng sợ, cứ lo niệm Phật, ăn chay, làm phước, đến khi chết sẽ về Cực Lạc. Thế rồi họ nghe theo và hết sợ chết. Đó là vô úy thí chân chính.

Cũng cùng một người, nếu ta bảo họ đừng sợ chết, vì chết là hết, không có gì phải lo cả, không có địa ngục, không có thiên đàng. Nếu họ tin ta mà không sợ chết nữa, thì đó là Vô úy thí không chân chính (vì ta dạy họ chấp đoạn).

3, Trên Phương Diện Người Nhận Hay Ruộng Phước

Tại sao lại gọi người nhận ruộng phước?

Tại vì chính ở nơi họ mà ta gieo hạt giống phước đức nên gọi là ruộng phước. Nhờ có họ mà ta mới thực hiện được sự Bố thí.

Có hai loại ruộng phước:

  • Ruộng phước nhỏ: Vì lòng thương hại người nhận nên ta phát tâm bố thí. Những hạt giống thương hại sẽ cho ra những cây lúa nhỏ, nên gọi là ruộng phước nhỏ.
  • Ruộng phước lớn: Vì có tâm kính trọng người nhận nên ta phát tâm bố thí. Những hạt giống kính trọng sẽ cho ra những cây lúa lớn, nên gọi là ruộng phước lớn.

III, Bố Thí Như Thế Nào Cho Đúng

Phải bồi đắp cách nào? Bằng cách bố thí với tâm trong sạch, không cầu phước báo của Trời người, không cầu sự sung sướng trong đời này và đời sau, chỉ cầu giải thoát của Niết Bàn, bố thí với tấm lòng cung kính hoặc từ bi. Trong lúc chưa chứng được hoàn toàn quả Niết Bàn, ta vẫn tái sinh ở cảnh an vui của Trời, người (mặc dù không cố ý cầu), đó là do nghiệp báo tốt của sự bố thí trong sạch. Đức Phật có nói rằng: ‘Trên đời này có hai hạng người rất là hiếm có:

  • Một vị Tỳ Khưu đã hoàn toàn giải thoát trong số các tu sĩ lang thang
  • Một người biết bố thí trong sạch trong số các cư sĩ tại gia

Ngoài ra nếu ta bố thí trong những trường hợp sau đây thì phước báo sẽ tăng lên gấp bội:

  • Bố thí đúng lúc, có nghĩa là bố thí cho: những người đi xa, người từ xa mới đến, người bịnh, người trông coi kẻ bịnh, trong những mùa giá lạnh.
  • Bố thí luôn luôn mà không thấy mệt mỏi hay chán nản.
  • Bố thí tùy theo sở thích của người xin.
  • Bố thí những vật quí giá.
  • Bố thí cho những người làm việc cho Chùa, làm vườn, đào mương …
  • Bố thí cho chư Tăng.
  • Bố thí mà kính trọng người nhận.
  • Bố thí cho những người có đức hạnh.
  • Bố thí tất cả những gì mà mình có.

Một sự bố thí được xem là trong sạch và đem lại phước đức quả báo vô lượng vô biên cần phải có ba yếu tố sau đây:

  • Người bố thí phải có tâm trong sạch.
  • Vật được thí phải chân chính.
  • Người nhận phải được kính trọng tối đa.

IV, Hạnh Bố Thí Ba La Mật? Bố Thí Ba La Mật Là Gì?

Bố thí Ba la mật là sự bố thí cùng tột mà người thực hành phải thật sự đạt được “tánh không” mới có thể thực hành được một cách đúng nghĩa và trọn vẹn công đức lành của việc thực tập bố thí Ba la mật.

1, Ví dụ về 3 trạng thái tâm của hạnh bố thí Ba la mật


Trạng thái tâm thứ nhất: Một đứa trẻ nhỏ có rất nhiều con búp bê đẹp. Người mẹ bảo con đem búp bê đó cho trẻ em nghèo hay làm từ thiện thì đứa trẻ này không chịu vì không hiểu được giá trị của sự cho đi hay bố thí là như thế nào? Đến khi người mẹ bảo đứa trẻ, nếu con cho đi những con búp bê này thì mẹ sẽ mua cho thật nhiều con búp bê xinh đẹp và đắt tiền hơn gấp bội lần thì lập tức đứa trẻ này liền đồng ý cho đi để nhận lại những con búp bê giá trị hơn.

Trạng thái tâm thứ hai: Đến khi đứa trẻ lớn hơn một chút, người mẹ bảo con mình hãy cho đi những con búp bê đó, với mục đích để mình và con mình được mọi người khen ngợi là người có tấm lòng lương thiện. Và những con búp bê đó được cho đi với mục đích nhận lại lời khen ngợi của mọi người.

Trạng thái tâm thứ ba: Đến khi đứa trẻ trưởng thành, không còn ham thích gì với những con búp bê nữa, đến khi người mẹ hỏi con mình, có thể đem những con búp bê này cho đi hay bố thí thì người con liền đồng ý và không muốn quan tâm là mẹ mình đem cho ai, chỗ nào và làm gì với những con búp bê nữa. Đặc biệt, là người con không còn bị ràng buộc và tham chấp với sự cho đi của vật sở hữu là những con búp bê.

2, Hạnh Bố Thí Ba La Mật Là Gì?

Hai trạng thái tâm đầu tiên là sự bố thí căn bản của đại đa số chúng ta. Vì thông thường, sự cho đi luôn cần sự nhận lại theo mọi cách. Nhận từ vật chất hay tinh thần, từ những suy nghĩ vi tế từ trong tâm. Đây là sự bố thí cao đẹp cũng đáng ca ngợi vì bản chất đẹp là sự bố thí và cho đi cái của mình đang có.

Trạng thái tâm thứ ba là phần nào biểu thị trạng thái tâm của sự bố thí Ba la mật. Vì sự cho đi không thấy có người cho, vật được cho và người nhận, đó gọi là bố thí Ba la mật. Đây là sự bố thí cùng tột mà người thực hành phải thật sự đạt được “tánh không” mới có thể thực hành được một cách đúng nghĩa và trọn vẹn công đức lành của việc thực tập bố thí Ba la mật.

3, Làm Thế Nào Để Đạt Được Bố Thí Ba La Mật?

Khi sự bố thí của bạn đã trở nên thuần thục và đến khi bạn không còn chấp vào sự nhận lại thì đó tức là bố thí Ba la mật. Cũng giống như ví dụ ở trên, khi đứa trẻ đã lớn thì tự nó sẽ không cần và không biết ai nhận và làm gì với vật mình cho đi.

4, Bảy Hạnh Bố Thí Không Tốn Tiền Mà Vẫn Đạt Phước Báu

Có một câu chuyện kể về cuộc đối thoại giữa một vị Hòa thượng và một người dân thường như thế này:

Một ngày nọ, có một người đàn ông chạy đến trước mặt vị Hòa thượng. Anh ta vừa khóc vừa kể lể: “Thưa ngài, vì sao con làm việc gì cũng đều không thành công?”.

Vị Hòa thượng trả lời anh ta rằng: “Điều này là bởi vì ngươi không học được bố thí!” (Bố thí ở đây được hiểu là cho, quyên tặng, thực hành…)

Người đàn ông lại nói: “Nhưng con chỉ là một người nghèo đói thôi ạ!”

Hòa thượng nghe xong lại nói với anh ta rằng: “Cũng không phải là như vậy! Một người cho dù là không có tiền cũng vẫn có thể cho người khác 7 thứ:

1-Bố thí bằng vẻ mặt: Ngươi có thể cho người khác vẻ mặt tươi cười niềm nở

2-Bố thí bằng lời nói: Ngươi có thể cho người khác những lời cổ vũ khích lệ, lời an ủi, lời khen ngợi, lời khiêm tốn và lời nói ấm áp

3-Bố thí bằng tấm lòng: Hãy mở rộng tấm lòng và đối xử chân thành với người khác.

4-Bố thí bằng ánh mắt: Hãy dùng ánh mắt thiện ý để nhìn người khác.

5-Bố thí bằng hành động: Dùng hành động để đi giúp đỡ người khác

6-Bố thí bằng chỗ ngồi: Khi đi xe hay thuyền, có thể đem chỗ ngồi của mình tặng cho người khác

7-Bố thì bằng nơi ở: Đem phòng ở trống không sử dụng cho người khác nghỉ ngơi”.

Cuối cùng, vị Hòa thượng lại nói: “Vô luận là ai, chỉ cần dưỡng thành 7 thói quen này thì phước đức sẽ đến với người đó “như hình với bóng!”.


Social Phong Linh Gems

goodreads - ted - kickstarter - livejournal - 9gag - dzone - pastemagazine - Kiwi6 - jimdofree

inube - tickaroo - tribeofnoise - pixieset - gifyu - buddypress - peatix - Trang Vàng - yellowpages

wordpresskickstarter - GTA5 - unity - n4g - symfony - cplusplus - spinninrecords - blackhatworld



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đức Phật A Di Đà Màu Gì?

Lịch Sử Đức Phật A Di Đà

Đại Thế Chí Bồ Tát – Đại Diện Của Ánh Sáng Trí Tuệ