Tên Gọi Và Hình Tượng Của Những Vị Phật, Bồ Tát Thường Gặp

Mỗi vị Phật, Bồ tát đều có một hình tướng, hạnh nguyện riêng, nhưng tất cả các Ngài đều có lòng thương chúng sinh vô hạn. Tìm hiểu về hình tượng Phật – Bồ tát, chúng ta thêm quý kính các Ngài, nguyện tu học theo gương hạnh của Quý Ngài hầu thoát ly sinh tử, đạt đến Niết Bàn.

1. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Thích Ca: dịch là Năng Nhơn, Mâu Ni, là Tịch Mặc. Thích Ca Mâu Ni nghĩa là người hay phát khởi lòng nhân từ mà tâm hồn luôn luôn an tĩnh, vắng lặng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người khai sáng ra đạo Phật, Ngài được thờ ngay giữa chính điện, ngự trên đài sen với tư thế ngồi kiết già, hoặc ngồi kiết già với tay phải cầm hoa sen đưa lên.

 Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

 

2. Đức Phật A Di Đà

A Di Đà còn được gọi là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức. Nghĩa là tuổi thọ, hào quang và công đức của Ngài không thể lường được.Ta thường thấy hình tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi xuống để tiếp dẫn chúng sanh. Các chùa hay thờ tượng Ngài đứng giữa, bên phải là Bồ tát Quán Thế Âm, bên trái Ngài là Bồ tát Đại Thế Chí. Đây gọi là Tây Phương Tam Thánh.

 Đức Phật A Di Đà

3. Đức Phật Di lặc

Di Lặc hay Di Lạc, tức vui vẻ và hoan hỷ, Ngài là vị Phật ở đời tương lai. Tượng Phật Di Lặc mập mạp, bụng to, miệng cười rất tươi. Bụng to là chỉ cho sự bao dung rộng lượng, miệng cười là chỉ cho lòng hỷ xả, không vướng mắc. Có nơi thờ tượng Phật Di Lặc có thêm sáu chú tiểu bám ở quanh mình, biểu trưng sáu căn của một con người.

 Đức Phật Di Lặc

 

4. Bồ Tát Quán Thế Âm

Quán là quán sát, lắng nghe; Thế là thế gian; Âm là âm thanh. Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát quán sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để kịp thời cứu giúp họ thoát khổ. Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sanh, trên đỉnh đầu có hình Đức Phật A Di Đà. Có rất nhiều hình tượng Quán Thế Âm như: Quan Âm Lộ Thiên, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn,…

 Bồ Tát Quán Thế Âm

 

5. Bồ Tát Đại Thế Chí

Đại Thế Chí Bồ Tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát,… hay vắn tắt là Thế Chí. Ngài là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường.

 Đại Thế Chí Bồ Tát

6. Bồ Tát Địa Tạng

Địa Tạng có nghĩa là An Nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật. Ngài mặc áo cà sa, đội mũ tỳ lô, tay phải cầm tích trượng có mười hai khoen, tay trái nắm viên minh châu. Ngài thường được thờ trong Chánh Điện bên phải Đức Phật Thích Ca, hoặc nơi nhà thờ các vong linh.

 Bồ Tát Địa Tạng

7. Đức Phật Dược Sư

Thông Thường có 7 Đức Phật Dược Sư, hoặc 8 Đức Dược Sư (nếu cộng thêm Đức Thích Ca Mâu Ni), hạnh nguyện của các Ngài rất tương đồng như giúp chúng sinh được cứu khổ ban vui, sinh vào thiện đạo,thân hình đầy đủ các căn, được giàu có, xinh đẹp, thọ mạng dài lâu, tiêu trừ các tội lỗi về phạm giới khuyết giới, tiêu trừ các tội trộm cắp nghèo khó, giúp trừ các bệnh khổ thân tâm ma quỷ ám hại, được vãng sinh Tịnh Độ…

 Đức Phật Dược Sư

 

Bản Hán văn bên Trung Quốc nguyên có 7 bộ Kinh Dược Sư tương ứng với công đức bản Nguyện của 7 vị Phật gọi là Kinh Thất Phật Dược Sư Bản Nguyện Công Đức phần nói về 6 Đức Dược Sư là Quyển Thượng và phần nói về Đức Dược Sư Lưu Ly Quang là quyển hạ, tuy vậy khi truyền sang Việt Nam thì chỉ có 1 bộ Bản Nguyện Công Đức của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai do Ngài Pháp Sư Huyền Trang dịch, nguyên nhân cũng do một phần Việt Nam thịnh hành pháp môn Trì danh hiệu Phật.

 

8. Phật Mẫu Chuẩn Đề

Thân vị Bồ-tát nầy có màu vàng trắng hay màu vàng lợt, ngồi kiết gia trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mão báu có ngọc lưu ly rũ treo, có 18 tay đều đeo vòng xuyến khảm Xà Cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam Muội Gia, gồm có 3 mắt. Vị Bồ-tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ-tát nầy là trì tụng bài chú: Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà Câu chi nẫm, đát diệt tha: án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha.

 Phật Mẫu Chuẩn Đề

 

9. Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn

Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni của Mật tông có nói: “Trong vô lượng ức kiếp thời quá khứ, Bồ tát Quan Thế Âm nghe Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni bèn phát nguyện làm lợi ích, an lạc tất cả chúng sinh. Liền khi ấy, trên người mọc ra một nghìn con mắt và một nghìn bàn tay. Thiên Thủ Thiên Nhãn là ngàn mắt ngàn tay. Con số ngàn không chỉ có nghỉa đen là đúng một ngàn , mà ám chỉ một số lượng nhiều vô số kể, không đếm được. Do đó nên hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trên thực tế tại các chùa có thể có hơn 1000 tay, cũng có thể có vài chục tay hay vài trăm tay.

 Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn

 

Nghìn mắt để thấy khắp thế gian và nghìn tay để cứu vớt chúng sinh Bàn tay tượng trưng cho hành động. Muốn làm việc gì cũng phải dùng đến bàn tay. Con mắt tượng trưng cho sự xem xét, quán thông, thấu suốt, thấy rõ tường tận tất cả chúng sinh ở các cõi, thấy cả xa lẫn gần, cả to lớn lẫn tế vi, trước mặt và sau lưng, trên và dưới, ban ngày và ban đêm… Tượng có thể có hình con mắt trong lòng bàn tay, tượng trưng cho ý nghĩa hễ mắt để đâu thì tay theo đó. Hễ nhìn thấy nơi nào có chúng sanh khổ nạn là ngài ứng hiện và dang bàn tay từ bi ra để cứu giúp tức thì.

 

10. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói cho đủ theo âm Hán là Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát. Đại Trí là trí tuệ (pràjnà) thấu triệt tường tận chân lý tuyệt đối. Trí này có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện. Theo Phật Giáo Mật Tông thì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chính là vị Phật Bản Mệnh Tuổi Mão.

 Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

 

11. Bồ Tát Phổ Hiền

Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca. Phổ Hiền Bồ Tát được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.

 Bồ Tát Phổ Hiền

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đức Phật A Di Đà Màu Gì?

Lịch Sử Đức Phật A Di Đà

Đại Thế Chí Bồ Tát – Đại Diện Của Ánh Sáng Trí Tuệ