6 Ngôi Chùa Cầu Tài Lộc Đầu Năm Linh Thiêng Nhất Ở Hà Nội

Đi Lễ Chùa là truyền thống lâu đời và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào mỗi độ Tết đến Xuân về, không chỉ đi chùa để cầu tài lộc, bình an, sức khỏe mà đây cũng là khoảng thời gian con người ta thả mình vào trốn thanh tịnh để có thể sống chậm lại, cho tâm thanh thản hòa vào cảnh sắc đất trời Xuân. Và nếu bạn ở Hà Nội thì không thể bỏ qua 6 ngôi chùa cầu tài lộc nổi tiếng linh thiêng dưới đây nhé.

Chùa Trấn Quốc

6 Ngôi Chùa Cầu Tài Lộc Linh Thiêng Bậc Nhất Ở Hà Nội

1. Chùa Trấn Quốc :

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Ngôi Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc khắt khe của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền Đường, Nhà Thiêu HươngThượng Điện nối với nhau thành hình chữ Công. Trang Thrillist đánh giá chùa Trấn Quốc có kiến trúc như một bông sen đang nở rộ, làm người ta liên tưởng đến đài sen của Phật tổ. Trước mặt tiền chính là khoảng sân lớn được lát gạch đỏ, có lư hương lớn ở giữa để du khách và Phật tử đến dâng hương. Ngoài kiến trúc ban đầu thì năm 2003, chùa đã tổ chức khánh thành thêm Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15m, có 11 tầng, mỗi tầng có 6 bức tượng đức Phật A Di Đà trắng bằng đá quý trang nhã, phía trên đỉnh còn có một tháp sen cũng được tạc bằng đá.

Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật, cầu tài lộc, cũng như vãn cảnh chùa.
  • Địa Chỉ: Đường Thanh Niên, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội

2. Chùa Quán Sứ :

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ 15. Nguyên xưa ở phường Cổ Vũ chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ.

Đến với nơi đây, ngoài tham gia vào các lễ hội phật giáo lớn nhất Việt Nam, hành hương khấn phật các du khách hành hương và phật tử còn được chiêm ngưỡng tham quan phong cảnh kiến trúc độc đáo của ngôi chùa này. Tam quan chùa có 3 tầng mái, chính giữa là lầu chuông, qua tam quan là một sân rộng lát gạch, bước lên 11 bậc thềm là tới chánh điện. Điện Phật được trang trí trang nghiêm, các pho tượng khá lớn và được sơn son thấp vàng lộng lẫy, Trong cùng thờ ba vị Tam Thế Phật, kế tiếp thờ Phật A Di Đà, hai bên thờ Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, bậc dưới, ở giữa thờ Phật Thích Ca, hai bên là A – Nam – Đà và Ca – Diép, bậc dưới cùng thờ tượng Quan Âm và Địa Tạng. Gian bên Phải thờ Lý Quốc Sư ( tức Thiền sư Minh Không) với 2 thị giả. Gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình. Phía trong là Thư viện, giảng đường, nhà khách và tăng phòng.

Hàng năm, cứ khoảng tầm tháng 4 âm lịch tại chùa Quán Sứ thường tổ chức Đại Lễ Phật Đản, vào dịp này hàng ngàn phật tự của mọi miền đều mong muốn đến với chùa Quán Sứ để tham gia vào đại lễ. Đến với Đại lễ Phật Đản được tổ chức tại chùa, các tăng ni phật tử sẽ được tham gia vào dòng người rước xe hoa, cung nghinh xá lợi Phật, cầu nguyện Quốc thái dân an, tham gia vào Lễ Quy y Tam Bảo, thả bóng bay, chim bồ câu cầu nguyện hòa bình…. cùng với rất nhiều hoạt động khác vô cùng ý nghĩa.
  • Địa Chỉ: 73 Phố Quán Sứ, Cửa Nam, Q. Hoàn Kiếm

3. Phủ Tây Hồ :

Phủ Tây Hồ nằm ngay trên một bán đảo giữa Hồ Tây Hà Nội, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 4 km về hướng Tây. Phủ Tây Hồ có địa chỉ thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Phủ Tây Hồ Hà Nội là di tích lịch sử cấp cuốc gia và là nơi vô cùng linh thiêng. Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công Chúa – một nhân vật trong truyền thuyết và cũng là một trong bốn vị thánh bất tử của hệ thống điện thần (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Hàng năm có rất đông người tới Phủ Tây Hồ cầu tài cầu lộc cầu bình an.

Phủ Tây Hồ Hà Nội được xem là một trong những chốn linh thiêng nhất hệ thống đền chùa ở Hà Nội, thu hút không chỉ những người dân Hà Nội, mà cả những du khách thập phương đến thắp hương cầu phúc, cầu may, nhiều người đi lễ Phủ Tây Hồ đầu năm cầu mong sự may mắn, an bình sẽ đến với người thân, gia đình mình. Đặc biệt vào Tiệc mẫu Phủ Tây Hồ tháng 3 và tháng 8, số lượng người đến cầu may càng tăng lên một cách nhanh chóng. Bên cạnh cầu may mắn, đi Phủ Tây Hồ cầu tài lộc cũng là mục đích của nhiều du khách khi đến với nơi đây.

  • Địa Chỉ: Đường Xóm Chùa, Quảng An, Q. Tây Hồ

4. Chùa Kim Liên :

Chùa Kim Liên nổi tiếng tọa lạc trên một gò đất cao ở phía Đông của hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm xưa, nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngôi chùa nổi tiếng Hà Nội được dựng từ triều vua Lê Nhân Tông, trên nền cũ của cung Từ Hoa thời Lý để thờ Phật và công chúa Từ Hoa, có tên gọi là chùa Đại Bi. Năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), chùa Trịnh Sâm đem gỗ từ chùa Bảo Lâm tới sửa chùa và đổi tên là Kim Liên. Năm Nhâm Tý đời vua Quang Trung chùa được tu sửa và mở rộng.

Chùa Kim Liên có quy mô kiến trúc bề thế, gồm tòa Tam Bảo kết cấu chữ tam được xây kiểu mái chồng diêm, nếp nhà giữa cao hơn hai nếp nhà trước và sau nó. Tường xây gạch trần mà màu sắc của gạch kết hợp với việc trổ các cửa tròn hình sắc sắc, không không theo quan niệm Phật giáo, đã tạo cho ngôi chùa một vẻ đẹp trang nhã và độc đáo. Tam quan chùa có kiến trúc kiểu tam sơn rất đặc biệt: cả khối kiến trúc đồ sộ bằng gỗ lim, trên lợp ngói vẩy, chạm khắc tinh tế, đứng thẳng trên cùng một hàng cột cái mà không có cột quân giữ hai bên.

Chùa Kim Liên hiện sở hữu nhiều hiện vật vô giá trong đó có nhiều pho tượng rất đẹp, các pho tượng Phật được bày thành hai lớp, trên cùng là bộ Tam thế, tiếp theo là tượng A-di-đà, tượng Quan Thế Âm và tượng Đại thế chỉ ở hai bên cùng A Nan Đà, Ca diếp là hai đại đệ tử của Đức Phật. Lớp dưới là Quân âm chuẩn đề, tượng Ngọc Hoàng, dưới cùng là tòa Cửu Long. Ngoài ra, chùa Kim Liên còn có tượng Tĩnh đô vương Trịnh Sâm, người đã cấp tiền hưng công tu tạo chùa năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771). Các pho tượng đều mang phong cách điêu khắc thế kỷ 18-19.Chùa còn lưu giữ được một tấm bia cổ hiện dựng phía bên phải cổng chùa trên bệ đá hình vuông, dù năm tháng đã làm phai mờ nhiều nét chữ nhưng còn xem được niên hiệu: Thái Hòa tam niên Ất Sửu, tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông.
  • Địa Chỉ: Đường Nghi Tàm, Quảng An, Q. Tây Hồ

5. Đền Quán Thánh :

Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 – 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long Tứ Trấn). Đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội. Đền tọa lạc tại số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Trải qua các triều đại, đền Quán Thánh đã được trùng tu nhiều lần, nhưng về cơ bản thì không thay đổi nhiều, và được coi là một quần thể kiến trúc đẹp ngày hôm nay. Các bộ phận kiến trúc Đền sau khi trùng tu bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm, khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật rất cao. Bố cục không gian rất thoáng và hài hòa. Trong đó, nổi bật nhất bên trong thánh điện là bức tượng đồng đen của Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3.96m và nặng 4 tấn. Tượng mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa.

Không chỉ là một công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, Đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Đền Quán Thánh là một di tích có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc, nằm bên bờ Hồ Tây cùng với tiếng chuông Trấn Vũ đã hòa nhịp vào thiên nhiên, góp phần tô điểm cho cảnh đẹp cổ kính, thơ mộng của vùng du lịch Hồ Tây – Hà Nội.
  • Địa Chỉ: Đường Thanh Niên, Quán Thánh, Q. Ba Đình

6. Chùa Láng :

Chùa Láng hiện nay là một di tích lịch sử, chùa nằm tại Phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Q Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sống vào thời vua Lý Nhân Tông, tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Sài Sơn, thuộc phủ Quốc Oai, Sơn Tây ngày nay. Đồng thời ông cũng là Tăng Đô Sát trong triều đình. Tương truyền ngôi nhà xưa của ông nằm ở phía Nam làng An Lãng, chính là chùa Láng ngày nay. Theo sách xưa chép lại, trước đây chùa có đủ 100 gian, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc là kiểu chùa phổ biến xưa với đặc trưng là hai hành lang dài nối liền nhà Tiền đường và Hậu đường làm thành một khung hình chữ nhật khép kín vây lấy một công trình kiến trúc ở giữa có thể là nhà thiêu hương hay nhà thượng điện.

Chùa Láng ngày nay vẫn giữ được vẻ bề thế với quần thể kiến trúc hài hòa và cân xứng với không gian xung quanh. Không gian tĩnh mịch và yên bình được tạo nên bởi sự hòa hợp giữa các công trình kiến trúc của chùa với cảnh quan thiên nhiên, sân vườn, bóng cây cổ thụ. Chùa Láng xưa kia từng được mệnh danh là đệ nhất tùng lâm có nghĩa là nơi có rừng thông đẹp nhất ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Hằng năm, hội chùa Láng được cử hành long trọng vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch, đây là ngày sinh của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Vào ngày này, nhân dân phường Láng Thượng tề tựu khai hội, đặc sắc nhất là phần rước kiệu, kiệu Thánh được rước từ chùa Láng qua thăm thân mẫu bên chùa Hoa Lăng.

Vào dịp sau tết Nguyên Đán, Chùa Láng thu hút rất đông du khách, phật tử trên cả nước. Đến với chùa Láng, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp yên bình, hòa hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc mà còn tìm thấy sự thanh tịnh trong cõi thiền, gột bỏ được những muộn phiền, ưu tư. Hãy một lần đến thăm chùa Láng để nhẹ nhàng thưởng thức chút dư vị của cuộc sống thanh bình giữa những ồn ào phố thị.
  • Địa Chỉ: Phố Chùa Láng, Láng Thượng, Q. Đống Đa




Nguồn: https://phongthuyhomang.vn/6-ngoi-chua-cau-tai-loc-dau-nam-linh-thieng-nhat-o-ha-noi/


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đức Phật A Di Đà Màu Gì?

Lịch Sử Đức Phật A Di Đà

Tìm Hiểu Về Đức Phổ Hiền Bồ Tát